Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải do virus, vi khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi, mạt nhà. Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI), có khoảng 10-30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng thường được chia thành các dạng bao gồm:
Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ): Hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm.
Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ): Là tình trạng bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi đều bị kích ứng và viêm.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng là gì
Các triệu chứng diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hoặc kéo dài vài ngày đến cả tuần rồi tự biến mất. Tuy không đặc biệt nghiêm trọng nhưng các triệu chứng kéo dài sẽ gây khó chịu, mệt mỏi, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, nhất là việc ăn, ngủ của trẻ nhỏ.
Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng được chia thành 2 nhóm:
Triệu chứng bệnh theo chu kỳ: thường xuất hiện vào đầu mùa lạnh hoặc mùa nóng, khiến người bệnh cảm thấy ngứa mũi, hắt hơi liên tục, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi nhiều, dịch nhầy trong. Người bệnh cũng có thể có các biểu hiện như rát bỏng ở kết mạc, vòm họng, uể oải, mệt mỏi, nặng đầu. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần rồi khỏi và cứ đúng vào giai đoạn đó thì bệnh lại tái phát, có khi kéo dài trong nhiều năm gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, nghẹt mũi, phì đại cuốn mũi…
Triệu chứng bệnh không theo chu kỳ: là tình trạng thường gặp nhất với các biểu hiện như sổ mũi, hắt hơi, chảy mũi khi vừa thức dậy vào buổi sáng, giảm dần trong ngày nhưng lại tái phát khi tiếp xúc với bụi hay môi trường lạnh. Ban đầu nước mũi trong suốt nhưng càng về sau thì càng đặc lại, chảy thành từng đợt, nặng hơn thì có thể hắt hơi liên tục trong nhiều giờ liền, gây ra tình trạng tiết dịch ứ đọng trong vòm họng nên người bệnh thường phải khạc nhổ làm tổn thương niêm mạc mũi họng. Ngoài ra, người bệnh thường xuyên phải thở bằng miệng do nghẹt mũi nên rất dễ bị viêm họng, viêm thanh quản.